DẠY HỌC DỰA TRÊN VẤN ĐỀ LÀ GÌ? (DHDTVĐ #2)

ĐỊNH NGHĨA

Phương pháp Dạy Học Dựa Trên Vấn Đề (DHDTVĐ) có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau nhưng tựu chung lại DHDTVĐ bao gồm những yếu tố then chốt sau:

  1. Trọng tâm giảng dạy:
    Nội dung môn học hoặc chương trình dạy học được thiết kế với bối cảnh trung tâm là vấn đề - những tình huống có liên quan đến môn học hoặc chương trình học và có sự gắn bó mật thiết với thực tế. Nên chú ý rằng vấn đề ở đây có thể là một hiện tượng của tự nhiên hoặc xã hội; sự kiện/tình huống có thể đã, đang hoặc sẽ diễn ra trong thực tế và chứa đựng những điều cần được lý giải. Vấn đề khác với các bài toán cần lời giải theo công thức, vấn đề thực tế thường yêu cầu được xem xét trên nhiều khía cạnh và kiến thức liên môn. 

     
  2. Học sinh:
    Học sinh tham gia giải quyết vấn đề (thường là theo nhóm) nhằm mục tiêu phát triển kiến thức và các kỹ năng mang tính ứng dụng cao. Học sinh sẽ làm chủ phần lớn trong quá trình học tập và tiếp thu tri thức. Khi giải quyết vấn đề được đặt ra, học sinh có rất nhiều cơ hội lựa chọn kiến thức đa ngành cũng như lựa chọn cách làm việc trong tập thể để từ đó đưa ra sản phẩm cuối cùng. Cũng vì vậy mà các kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng mềm như hợp tác, nghiên cứu độc lập, phản biện, tự học của học sinh sẽ càng được mài dũa thêm. Bởi DHDTVĐ bắt nguồn từ thực tiễn đời sống, học sinh có thể hào hứng hơn với các giờ học. 

     
  3. Giáo viên:
    Học sinh sẽ rèn luyện được tính chủ động và khả năng tự học bởi trong phương pháp này giáo viên chỉ có vai trò quan sát, đánh giá và hỗ trợ khi cần thiết. Đối với phương pháp này, hầu hết khối lượng công việc của giáo viên nằm ở việc nghiên cứu để phát triển vấn đề cũng như những nội dung kiến thức xoay quanh vấn đề đó để có thể sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học sinh khi cần thiết. Ngoài ra, giáo viên cũng cần chuẩn bị và thống nhất một thang chấm điểm sản phẩm cho học sinh thật chi tiết và phù hợp để giảm thiểu tối đa yếu tố chủ quan trong quá trình chấm bài. 

THÁCH THỨC

Tuy cung cấp cho học sinh nhiều lợi ích như vậy nhưng việc đưa DHDTVĐ vào triển khai chắc chắn sẽ gặp phải một số thách thức. Đầu tiên phải kể đến là khó khăn mà giáo viên gặp phải: tiêu tốn rất nhiều thời gian. Giáo viên vốn dĩ được xem là một nghề “nặng nhọc” bởi khối lượng công việc không chỉ dừng ở các tiết dạy học mà còn phải soạn giáo án, chấm bài, tham gia các phong trào, cuộc thi, tập huấn, hội họp, công tác chủ nhiệm lớp, và Đoàn đội [1-2].Chưa kể số lượng học sinh quá tải (khoảng từ 30-40 học sinh mỗi lớp trong địa bàn Hà Nội) mà giáo viên phải theo sát tình hình và chăm lo đến mọi vấn đề của tất cả học sinh trong lớp [3].  

Nếu triển khai phương pháp dạy học này, giáo viên thậm chí phải dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu vấn đề, nội dung đa ngành khi dạy học và đánh giá sản phẩm của học sinh. Ngoài ra, học sinh có thể chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cách học “mới” cũng như “ngại” học bởi theo chương trình hiện hành ít có bài kiểm tra chuẩn hóa nào được xây dựng dựa trên phương pháp này. 

KẾT LUẬN

Nhìn chung, phương pháp DHDTVĐ là một phương pháp dạy học dựa trên vấn đề đã, đang hoặc có thể sẽ diễn ra trong thực tế và chứa đựng những điều cần được lý giải. Phương pháp này giúp kích thích sự chủ động của học sinh và tạo cơ hội cho học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế nhưng việc đưa vào dạy học yêu cầu sự nỗ lực từ cả phía học sinh và giáo viên. Trong những bài viết tới, ISA sẽ cung cấp cho các thầy cô nhiều công cụ hỗ trợ để có thể hiểu phương pháp DHDTVĐ và triển khai thành công trong lớp học của mình. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Duy N. (2020, November 26). Giá như giáo viên được xếp vào nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Giáo Dục Việt Nam. [Online
  2. Sinh T. T. T. (2019, February 13). Giáo viên - nghề lao động trí óc căng thẳng. Thông Tin Tuyển Sinh. [Online]
  3. VnExpress. (n.d.). Trường công quá tải. Vnexpress.net. [Online]
  4. Oog-Seng, T. (2003). Problem-based learning innovation: Using problem to power learning in 21st century. Thomson/Learning.

 

Thầy cô có thể truy cập vào link này để tham gia vào Nhóm cộng đồng GV STEM - ISA và cùng nhau cập nhật thông tin liên quan đến giáo dục STEM.

Khóa đào tạo giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org trên nền tảng trực tuyến là một trong những giải pháp của International STEM Association nhằm nâng cao năng lực STEM Việt Nam. Tìm hiểu thêm tại đây.

Bài viết cùng danh mục