TRỞ THÀNH NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG (DHDTVĐ #6)

Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề (DHDTVĐ) là một phương pháp dạy học tập trung vào sự phát triển của người học. Trong quá trình học, học sinh sẽ được tiếp cận với các vấn đề được khai thác từ thực tế cuộc sống. Các vấn đề này sẽ được tinh chọn và thiết kế cẩn thận với mục tiêu giúp học sinh tiếp nhận tri thức một cách có phê phán, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tự học, khả năng tìm kiếm thông tin và kỹ năng làm việc nhóm (Kurt 2020, Lê 2021). Với những mục tiêu học tập ấy, vai trò của giáo viên sẽ là người điều phối, truyền cảm hứng và định hướng học sinh trong suốt quá trình tiếp thu tri thức. Giáo viên sẽ đảm bảo một môi trường học tập thân thiện, an toàn để học sinh có thể thoải mái chia sẻ, đề xuất ý tưởng và thúc đẩy khả năng học tập, nghiên cứu độc lập (O'Grady 2012). 

KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG HỌC TẬP AN TOÀN

Trước khi giới thiệu nội dung bài học hay vấn đề cần được giải quyết, giáo viên cần phải đảm bảo mình đã chuẩn bị một môi trường học tập thoải mái xét cả về mặt cơ sở vật chất (nhiệt độ phòng, ánh sáng, cách sắp xếp bàn ghế,...) và tâm lý (thái độ và kì vọng của giáo viên với học sinh,...). Một môi trường học phù hợp sẽ kích thích đáng kể sự hợp tác và hào hứng của học sinh trong giờ học (Tan, 2003). Ngoài ra, giáo viên cũng cần nhấn mạnh giúp học sinh hiểu rằng các em sẽ đóng vai trò chính trong phương pháp học này, các em sẽ cần tiến hành nghiên cứu, làm việc nhóm,... để giải quyết vấn đề còn giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp tài nguyên, gợi ý và đánh giá kết quả hoạt động. Với hình thức chủ yếu là làm việc theo nhóm của phương pháp này, giáo viên cũng cần dành thời gian để cùng học sinh sắp xếp chia nhóm, chỉ định trưởng nhóm, thư ký và hướng dẫn cách em sử dụng công nghệ để nộp các sản phẩm theo yêu cầu. Giáo viên nên nhắc nhở các em tìm hiểu các bạn cùng nhóm và cùng nhau lập lên quy tắc làm việc để giảm thiểu sự bất đồng trong quá trình học.

TẠO LẬP VẤN ĐỀ

Với DHDTVĐ, giai đoạn đầu tiên thường là Tạo lập vấn đề. Ở giai đoạn này, giáo viên giới thiệu vấn đề đã được chắt lọc thông tin và thiết kế sao cho phù hợp với chương trình dạy học và bám sát với thực tiễn. Học sinh sẽ phân tách và nghiên cứu về vấn đề bằng cách tổng hợp những kiến thức, kinh nghiệm liên quan mà nhóm đã nắm được. 
Giáo viên với vai trò của người điều phối sẽ: 

  • Cho học sinh thời gian để đọc nghiên cứu vấn đề và thảo luận theo nhóm  
  • Hỏi “Các em biết gì về vấn đề này?” 
  • Hỏi “Điều gì về vấn đề này mà em chưa biết?”
  • Hỏi “Các em cần làm gì để tìm hiểu những điều mình chưa biết?”
  • Cung cấp các nguồn thông tin cần thiết (sách, báo, công văn, bài luận, …)

Giáo viên nên lưu ý rằng học sinh là chủ thể của việc học vậy nên giáo viên cần tránh hỏi những câu hỏi dẫn dắt để đưa học sinh suy nghĩ theo hướng định trước, hay cung cấp thông tin trực tiếp đến với học sinh. 

NGHIÊN CỨU ĐỘC LẬP

Đây chính là giai đoạn giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học và phát triển tri thức của bản thân nhiều nhất bởi lẽ các em cần phải tiếp đục đào sâu nghiên cứu kĩ vấn đề hơn. 
Cụ thể, học sinh cần tiếp tục xác định những thông tin cần thiết giải quyết vấn đề. Ví dụ như vấn đề là thiết kế một sân chơi trong trường học dành cho học sinh, ở giai đoạn đầu tiên học sinh đã xác định được sân chơi cần có diện tích tối ưu, cơ sở vật chất phong phú đảm bảo an toàn, chi phí hợp lý,... Sau đó, học sinh tiếp tục khai thác thêm những kiến thức cần thiết để có thể đáp ứng được những điều đã xác định được ở giai đoạn trước như là để có diện tích tối ưu thì ta cần thêm kiến thức về toán học, hình học còn muốn đảm bảo về cơ sở vật chất thì lại cần tìm hiểu thêm về nguyên vật liệu xây dựng,.... 
Các hoạt động kể trên chủ yếu diễn ra dưới hình thức cá nhân hoặc làm việc nhóm; tuy không có hướng dẫn từ giáo viên nhưng giáo viên cần biết tiến độ nghiên cứu của các học sinh/nhóm, vì vậy nên giáo viên với vai trò của người điều phối sẽ: 
    Trong 1 nhóm:

  • khuyến khích học sinh trong cùng một nhóm chia sẻ kiến thức với nhau, bạn nào hiểu rõ vấn đề hay kiến thức sẽ chỉ cho các bạn khác
  • khuyến khích học sinh mô tả rõ ràng khó khăn mà cả nhóm đang gặp
  • khuyến khích học sinh ghi chú trong khi thảo luận
  • nhắc nhở học sinh về đề bài nếu cả nhóm đang bối rối hoặc lạc đề
  • lắng nghe, hỗ trợ giải đáp thắc mắc và cung cấp thêm tài nguyên nếu cần thiết. 

    Giữa các nhóm: 

  • 1 nhóm sẽ tóm tắt kết quả học tập hiện tại, các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi và đánh giá
  • các nhóm chia sẻ điều mình học được

THUYẾT TRÌNH VÀ SUY NGẪM

Trong những giờ học cuối cùng của quá trình, học sinh cần trình bày cho giáo viên và các bạn sản phẩm của nhóm mình bằng hình thức phù hợp (bài thuyết trình, video, vở kịch, tọa đàm,...). Giáo viên sẽ đánh giá sản phẩm của nhóm dựa trên các tiêu chí đã thống nhất từ trước và khuyến khích các em đưa ra đánh giá mang tính xây dựng cho các nhóm khác. Các sản phẩm không chỉ được đánh giá bởi giáo viên, bạn học mà còn chính bởi những chủ nhân của sản phẩm. Học sinh sẽ nhìn lại sản phẩm cũng như quá trình làm việc nhóm, làm việc cá nhân để có thể tổng hợp được những bài học và rút ra kinh nghiệm, từ đó cải thiện các sản phẩm trong tương lai của mình.
Vì vậy, giáo viên với vai trò của người điều phối sẽ: 

  • cho phép tất cả các nhóm trình bày vấn đề và giải pháp của nhóm mình
  • đảm bảo mỗi trường an toàn, tích cực cho việc thảo luận và phản biện, kèm theo những phản hồi mang tính xây dựng giữa các nhóm
  • chú ý hỏi những câu hỏi nhấn mạnh vào sự liên kết giữa các luận cứ trong bài trình bày của học sinh
  • nhắc nhở học sinh phải cân nhắc đảm bảo rằng bình luận, đánh giá mình đưa ra có liên quan tới vấn đề đang được trình bày

KẾT LUẬN

Tựu chung lại, phương pháp DHDTVĐ sẽ kích thích tính sáng tạo và sự chủ động của học sinh bởi để hoàn thiện được một sản phẩm chất lượng các em phải dành nhiều giờ nghiên cứu cũng như làm việc nhóm. Trong mọi giai đoạn, giáo viên thường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giải đáp, và giám sát, giúp quá trình làm việc của học sinh suôn sẻ nhất có thể thay vì trực tiếp giảng bài như ở các giờ học truyền thống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. O’Grady, G. (Ed.). (2012). One-day, one-problem: An approach to problem-based learning. Springer.
  2. Delisle, R. (2010). How to Use Problem-Based Learning in the Classroom. Association for Supervision & Curriculum Development.

 

Thầy cô có thể truy cập vào link này để tham gia vào Nhóm cộng đồng GV STEM - ISA và cùng nhau cập nhật thông tin liên quan đến giáo dục STEM.

Khóa đào tạo giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org trên nền tảng trực tuyến là một trong những giải pháp của International STEM Association nhằm nâng cao năng lực STEM Việt Nam. Tìm hiểu thêm tại đây.

Bài viết cùng danh mục