YÊU CẦU CỦA GIÁO DỤC TRONG THẾ KỶ 21 (DHDTVĐ #1)

GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM QUA MỘT VÀI THỐNG KÊ

Từ một quốc gia có hơn 90% dân số mù chữ vào năm 1945, trải qua chiều dài lịch sử cùng sự nỗ lực của nhiều ban ngành đoàn thể và nhiều lần cải cách đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu trong giáo dục. Đến nay, hệ thống giáo dục của nước ta đã được công nhận là một trong 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, học sinh Việt Nam cũng nằm trong nhóm có thành tích học tập cao nhất ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (Crawford, Hasan & Bentaouet, 2018). 

Nhiều thành tựu đáng tự hào trên giảng đường là vậy, song, sau khi tốt nghiệp trung học hay đại học, nền giáo dục Việt Nam lại để lộ nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm ấy được phản ánh qua thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với trung bình mỗi năm 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành. Trong khi đó, nguồn lao động chất lượng cao lại chưa đáp ứng đủ của các doanh nghiệp. Những dữ liệu trên phải chăng là bằng chứng cho thấy ta chưa thực sự hiểu được những yêu cầu của thời đại đối với giáo dục?

KỸ NĂNG CẦN THIẾT CHO TƯƠNG LAI

Theo đại học Fulbright, một nghiên cứu gần đây dự báo rằng phần lớn các công việc của năm 2030 thậm chí còn chưa xuất hiện. Vậy thì học sinh cần được học gì, được trang bị gì để chuẩn bị cho tương lai? Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng ba kỹ năng hàng đầu cần thiết cho công việc trong thế kỉ 21 là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Điểm chung của cả ba kỹ năng này chính là yêu cầu học sinh phải đưa ra nhận định, phán đoán, đánh giá về một vấn đề sau đó giải thích, lập luận, và chứng minh cho quan điểm của mình. Từ đó, học sinh có thể hình thành tư duy biện luận, thói quen tiếp cận vấn đề đa chiều, linh hoạt, có khả năng quan sát, phân tích và nhìn nhận thấu đáo, từ đó dễ thích nghi trước mọi đổi thay trong cuộc sống và công việc.   

Theo giáo sư Tan Oon Seng, cựu Viện trưởng Viện Giáo dục Quốc gia (Singapore) - tác giả cuốn sách Đổi mới dạy học Dựa trên vấn đề (Problem-based Learning Innovation), giáo dục trong thế kỉ 21 là phát triển trí thông minh. Giáo sư nói rằng không có công việc hay ngành nghề nào là có tương lai, chỉ có con người mới có tương lai, và đó phải là những người với trí thông minh để xây dựng sự nghiệp và tương lai bằng nỗ lực bền bỉ và học tập sáng tạo. Trong cuộc sống, trí thông minh không chỉ xoay quanh việc hiểu biết những sự vật hiện tượng mà còn là về khả năng thích nghi, chọn lọc, và thay đổi chính bản thân mình và các thành tố xung quanh sao cho hòa hợp với môi trường. Vì vậy, phát triển từ thuyết đa trí tuệ của giáo sư Howard Gardner của Đại học Harvard, giáo sư Tan Oon Seng cho rằng việc dạy học dựa trên vấn đề chính là cách mài giũa trí thông minh tốt nhất. 

Tựu chung lại, đối diện sự chuyển dịch nhanh chóng của thị trường lao động của thế kỉ 21, học sinh cần được cung cấp nhiều cơ hội hơn để rèn luyện khả năng tư duy biện luận, thói quen nhìn nhận vấn đề đa chiều và khả năng tiếp cận cũng như giải quyết vấn đề. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Hồng Quân, “50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 - 1995)”, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr.310.
  2. Crawford, M. F., Hasan, A., & Bentaouet Kattan, R. (2018). Tăng trưởng thông minh hơn: học tập và phát triển công bằng ở Đông Á-Thái Bình Dương (No. 126675, pp. 1-46). The World Bank.
  3. Yến, N. H. Phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên trong thời đại công nghiệp 4.0. KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUI, 39.
  4. Oog-Seng, T. (2003). Problem-based learning innovation: Using problem to power learning in 21st century. Thomson/Learning.

 

Thầy cô có thể truy cập vào link này để tham gia vào Nhóm cộng đồng GV STEM - ISA và cùng nhau cập nhật thông tin liên quan đến giáo dục STEM.

Khóa đào tạo giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org trên nền tảng trực tuyến là một trong những giải pháp của International STEM Association nhằm nâng cao năng lực STEM Việt Nam. Tìm hiểu thêm tại đây.

Bài viết cùng danh mục