THIẾT KẾ CÁC VẤN ĐỀ (DHDTVĐ #4)

Trong quá trình dạy theo phương pháp Dạy học dựa trên vấn đề (DHDTVĐ), vấn đề chính là bối cảnh trung tâm của môn học hoặc chương trình dạy học. Vấn đề trong DHDTVĐ khác với các bài toán được giải bằng công thức và cần được hiểu là một hiện tượng của tự nhiên hoặc là một sự kiện/tình huống đã, đang hoặc có thể sẽ diễn ra trong thực tế cuộc sống và chứa đựng những điều cần được lý giải. 
Với thực tế dạy học hiện nay, chưa có ngân hàng vấn đề phù hợp và sẵn có dành cho giáo viên để áp dụng với những giờ lên lớp của mình. Vì vậy, giáo viên sẽ là người chủ động tìm hiểu để thiết kế vấn đề được dùng trong chương trình học. Vậy thì làm thế nào để thiết kế được vấn đề? 
Đầu tiên, ta cần nắm được một vấn đề “đạt chuẩn” để được sử dụng trong DHDTVĐ bao gồm những yếu tố nào. Yếu tố nổi bật nhất của một vấn đề đó là sự xuất hiện của một điều cần được nghiên cứu giải quyết. Yếu tố thứ hai chính là người học chưa biết cách giải quyết. Việc mong muốn giải quyết điều đó chính là yếu tố thứ ba. Và yếu cuối cùng chính là tính khả thi của việc giải quyết vấn đề.
Thứ hai, để thiết kế được vấn đề dựa trên thực tế, chúng ta cần nắm được những xuất phát điểm của vấn đề.   

Xuất phát điểm 

Nội dung

Ví dụ

Tình huống không như mong đợi 
  • Vấn đề có thể bắt nguồn từ một sự vật, hiện tượng, hay công việc không hoạt động như ý muốn.
Vào mùa đông ở miền Bắc, khi thời tiết lạnh kéo dài, xe máy thường mất nhiều thời gian để khởi động. Là một thợ sửa xe máy, bạn sẽ làm gì để giúp chủ xe máy có thể dễ dàng sử dụng xe hơn?
Tình huống khẩn cấp
 
  • Vấn đề có thể bắt nguồn từ một tình huống hay hoàn cảnh cần được để tâm đến và yêu cầu sự giúp đỡ hay cải thiện ngay lập tức.
  • Những vấn đề nổi cộm có thể nhắc đến là nạn đói, sự thiếu thốn về hệ thống chăm sóc sức khỏe, tị nạn,...
Trong hai đợt mưa lũ liên tiếp, đặc biệt đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 16 đến ngày 20-10-2020, đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình. Trận lũ lụt đã khiến các ngôi trường ở xã vùng nam ngập sâu trong nước lũ, có trường ngập sâu đến hơn 2m và bị hư hỏng nhiều thiết bị. Tuy nhiên ngày 22/10 các em học sinh vẫn cần quay lại trường học để theo kịp tiến độ học tập. Nếu là hiệu trưởng của một trong các trường, em sẽ làm gì? 
Nhu cầu cải tiến
  • Để có thể tối ưu được quy trình sản xuất/làm việc ví dụ như giảm thời gian tối thiểu, giảm thiểu tối đa lỗi sai,..  chúng ta cần cải tiến không ngừng. Vì vậy, việc tìm ra cách cải tiến chính là quá trình giải quyết vấn đề.
Một cửa hàng bán bánh gần đây nhận được phàn nàn về tình trạng bánh khi nhận về tay sau quá trình gửi hàng không được đẹp như trên ảnh. Có khách thì phàn nàn về kem bị chảy, có khách thì không hài lòng khi bánh bị xô lệch. Là chủ cửa hàng, em sẽ giải quyết thế nào?
Hiện tượng chưa được giải thích
  • Vấn đề cũng có thể xuất phát từ một hiện tượng hay kết quả quan sát mới lạ, chưa được học sinh biết đến.
Sau một thời gian sử dụng ấm đun nước siêu tốc, khi quan sát, ta thường nhìn thấy cặn ở đáy bình. Vậy thì những cặn này xuất phát từ đâu, có tác hại gì không và làm thế nào để làm sạch chúng?

Sự thiếu hụt thông tin

  • Sự thiếu hụt kiến thức (thường là đối với các công nghệ tân tiến) hoặc việc không có các dữ liệu đáng tin cũng được coi là tác nhân dẫn đến các vấn đề 
Một vận động viên bơi lội được lựa chọn vào đội tuyển để thi giải bơi thành phố vào năm tới. 
Người nhà của anh ấy khuyên rằng anh ấy nên bổ sung chất như vitamin D, A, E,... để tăng cường sức khỏe. 
Trong một lần đi siêu thị, anh ấy bắt gặp quảng cáo thực phẩm chức năng giúp bổ sung các loại chất mà anh ấy đang đang cần, tuy nhiên đồng đội của anh ấy lại nói rằng chúng có nhiều tác dụng phụ khiến anh ấy rất băn khoăn. 
Nhóm của em là một đội ngũ tư vấn dinh dưỡng cho các vận động viên trong thành phố, hãy trình bày một bản báo cáo về cách các vận động viên có thể bổ sung dinh dưỡng một cách khoa học.

Lựa chọn khó khăn

  • Đưa ra lựa chọn sao cho khôn ngoan được coi là một thử thách có thể đưa được vào trong nội dung chương trình học.
  • Nếu lựa chọn xuất phát điểm này, giáo viên có thể tham khảo những trường hợp liên quan đến chính sách, luật lệ, quan điểm, nhân quyền, và đạo đức được chọn lọc từ các tờ báo uy tín
Một người đàn ông bị tai nạn xe hơi. Anh ta trở thành người thực vật ở bệnh viện. Viện phí điều trị rất đắt đỏ và bác sĩ nói rằng sẽ không có cơ hội cứu chữa để anh tỉnh lại, anh sẽ sống như vậy cả đời. Gia đình của anh phải đưa ra quyết định có duy trì sự sống cho anh hay không.

Nhu cầu đổi mới

  • Có những sản phẩm đã ra đời như điện thoại thông minh, máy tính để bàn hay đơn giản chỉ là một đôi giày, ta thấy chúng đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, hàng năm hay thậm chí hàng quý, các nhãn hàng đều cố gắng tung ra thị trường các thiết kế mới, phát minh mới, sản phẩm mới,...
  • Các công ty, nhãn hàng ấy đã đặt ra vấn đề rằng liệu họ có thể thêm gì, chỉnh sửa gì để cho ra đời các mẫu mã mới
Bạn làm việc tại phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm của một công ty du lịch tại Hà Nội. Khách hàng chủ yếu của công ty là người Mỹ và Châu Âu. Tháng tới, công ty của bạn chuẩn bị đón tiếp một đoàn du khách đến từ các nước hồi giáo. Nhiệm vụ của phòng ban của bạn là nghiên cứu và sắp xếp một lịch trình đi du lịch vòng quanh Hà Nội trong tháng tới để vừa thể hiện truyền thống Việt Nam, vừa tôn vinh được văn hoá tín ngưỡng của du khách.

Sau khi nắm được những xuất phát điểm khác nhau của vấn đề, để có thể chọn lựa và thiết kế được một vấn đề, thầy cô có thể tham khảo bảng tiêu chí dưới đây để đảm bảo rằng vấn đề đã đủ “chất lượng” để đưa vào giảng dạy. 

  Nội dung
Đặc điểm
  • Vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống như thế nào? 
  • Vấn đề liên quan đến chương trình giảng dạy như thế nào?
  • Vấn đề có độ khó thế nào?
  • Vấn đề có yêu cầu tích hợp nhiều môn học (hoặc chủ đề) không?
  • Vấn đề mở như thế nào (về khả năng giải quyết)?
  • Sản phẩm cuối cùng của vấn đề là gì?

Ngữ cảnh

  • Vấn đề có được xây dựng hợp lý không?
  • Vấn đề có đủ thách thức không?
  • Vấn đề có bao gồm các yếu tố mới lạ và kích thích sự tò mò không?

Môi trường học tập
và nguồn tài nguyên 

  • Vấn đề có khuyến khích sự hợp tác nghiên cứu không?
  • Những hình thức tự học nào có thể được kết hợp?
  • Mức độ hướng dẫn cần thiết cho việc sử dụng tài nguyên học tập như thế nào?
  • Loại tài nguyên thông tin nào có thể được sử dụng (ví dụ: thư viện, Internet)?
  • Vấn đề có yêu cầu thu thập thêm dữ liệu không?
  • Có cần kết hợp công việc thực địa không?
  • Việc thu thập thông tin có bao gồm phỏng vấn và ý kiến của chuyên gia không?

Trình bày

  • Tình huống có được giới thiệu dựa trên bối cảnh không
  • Có thể dùng video không?
  • Có thể dùng tin tức dưới dạng âm thanh không? 
  • Có thể mô phỏng bằng cách nhập vai nhân vật không? 
  • Có thể mô phỏng yêu cầu của khách hàng không?
  • Có tin tức trên báo/tạp chí/báo cáo liên quan không?
  • Có trang Web nào có thể sử dụng được không?

Tiêu chí thiết kế vấn đề (Tan, 2003)

Bảng tham khảo tiêu chí có thể được tải về tại đây.
Ngoài những yếu tố kể trên, giáo viên cũng nên cân nhắc kĩ lưỡng để đặt cho vấn đề một cái tên thật thú vị và hấp dẫn để tăng sự chú ý của học sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê, V. H. (2021). PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰA TRÊN VẤN ĐỀ: MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI. [Online]
  2. Tan, O. (2003). Problem-based Learning Innovation: Using problems to power learning in the 21st century (1st ed.). Cengage Learning

Thầy cô có thể truy cập vào link này để tham gia vào Nhóm cộng đồng GV STEM - ISA và cùng nhau cập nhật thông tin liên quan đến giáo dục STEM.

Có thể là hình ảnh về 5 người và văn bản cho biết 'TEM International STEM Association Nâng cao năng lực STEM Việt Nam Đào tạo trực tuyến cấp chứng nhận STEM Hoa Kỳ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN STEM LIÊN HỆ info@istema.vn www.istema.v 0826469 889'

Khóa đào tạo giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org trên nền tảng trực tuyến là một trong những giải pháp của International STEM Association nhằm nâng cao năng lực STEM Việt Nam. Tìm hiểu thêm tại đây.

Bài viết cùng danh mục