LƯỢC SỬ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰA TRÊN VẤN ĐỀ (DHDTVĐ #3)

Vào một thời điểm cuối những năm 1970, tại đất nước Nhật Bản, có một chàng kĩ sư đang đi dạo trong công viên. Anh chàng ấy vừa đi bộ rèn luyện sức khỏe vừa ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Dù rất khoan khoái và thoải mái nhưng anh ấy vẫn cảm thấy mình có thể thưởng thức khoảnh khắc này trọn vẹn hơn nếu có thêm âm nhạc. Nhưng làm thế nào để có thể “mang theo” âm nhạc? Đó chính là ý nghĩ dẫn đến sự ra đời của chiếc máy nghe nhạc cầm tay đầu tiên - Walkman. 

Một vấn đề đã được đặt ra. Những người có kiến thức và chuyên môn tìm hiểu sâu hơn về những điều xoay quanh vấn đề ấy. Họ nghiên cứu, đưa ra giải pháp, thử nghiệm. Cuối cùng, sau quá trình ấy, họ tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Đó cũng là bản chất của Phương pháp Dạy học dựa trên vấn đề (DHDTVĐ).

Lần đầu tiên DHDTVĐ được chính thức đưa vào sử dụng là vào cuối những năm 1960 tại Trường Đại học Y khoa McMaster ở Canada. Đây là phương pháp được Tiến sĩ Howard Barrows phát triển với mục đích giúp các sinh viên ngành Y có cơ hội được học tập và nghiên cứu dựa trên những tình huống thực tế của hoạt động chuyên môn tại các bệnh viện. Sinh viên chỉ dự một đến hai bài giảng mỗi tuần, thời gian còn lại sẽ dành cho nghiên cứu độc lập tự được định hướng bởi các vấn đề do giảng viên thiết kế. Mặc dù việc sử dụng vấn đề thực tế trong bài học không phải là việc quá mới mẻ trong giáo dục, điều làm nên sự khác biệt cho chương trình DHDTVĐ tại McMaster đó chính là thời điểm học sinh được giới thiệu và giải quyết vấn đề. Vấn đề không được giới thiệu sau khi học sinh đã được trang bị đầy đủ kiến thức lý thuyết, thay vào đó, sinh viên tại McMaster bắt đầu bài học hoặc dự án với một vấn đề mới lạ, sau đó sinh viên sẽ tự nghiên cứu và rút ra kết luận về kiến thức học được sau khi giải quyết vấn đề.

Vào năm 1981, Tiến sĩ Howard Barrows rời trường McMaster và đến trường Y của Đại học Southern Illinois, Hoa kỳ và xây dựng tại đây một chương trình dạy học dựa trên các vấn đề. Sau đó, phương pháp này bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn đối với ngành Y và sau đó dần mở rộng sang các chuyên ngành khác như kinh tế hay luật (Lê, 2021).

Tại Việt Nam, theo một số nghiên cứu đã được xuất bản, hiện nay phương pháp DHDTVĐ đang được sử dụng tại các trường đại học trên cả nước với các môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Pháp luật đại cương, Con người và môi trường, Chế tạo máy (trường đại học Nha Trang),... và Kĩ thuật điện (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Đối với DHDTVĐ tại các trường trung học, tiểu học, và mẫu giáo thì chưa có các nghiên cứu rõ ràng cho thấy việc phương pháp này được đưa vào giảng dạy. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  1. G. O’Grady, Ed., One-day, one-problem: an approach to problem-based learning. Singapore New York: Springer, 2012.
  2. Le Van Hao, ‘PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰA TRÊN VẤN ĐỀ: MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI’. Jun. 2021. [Online]
  3. Lê, V. H. (2021). PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DỰA TRÊN VẤN ĐỀ: MỘT SỐ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI. [Online]
  4. Tan, O. (2003). Problem-based Learning Innovation: Using problems to power learning in the 21st century (1st ed.). Cengage Learning
  5. Hoàng, T. H., & Lê Huy, T. (2016). Vận dụng dạy học dựa trên vấn đề trong giảng dạy môn học Kĩ thuật điện. VNU Journal of Science: Education Research, 32(2).

Thầy cô có thể truy cập vào link này để tham gia vào Nhóm cộng đồng GV STEM - ISA và cùng nhau cập nhật thông tin liên quan đến giáo dục STEM.

Khóa đào tạo giáo dục STEM cấp chứng nhận ISA-STEM.org trên nền tảng trực tuyến là một trong những giải pháp của International STEM Association nhằm nâng cao năng lực STEM Việt Nam. Tìm hiểu thêm tại đây.

Bài viết cùng danh mục